Một cây cầu gỗ tưởng chừng chỉ là phương tiện giúp người dân hai bên bờ sông đi lại dễ dàng hơn, nhưng đến với cầu gỗ Ông Cọp ở xứ sở xinh đẹp Phú Yên còn hơn thế nữa. Cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, được đặt ở một dòng sông êm ả, thơ mộng. Chính sự bình dị của cây cầu đã góp phần tô điểm thêm một sắc màu rất khác trong bản đồ du lịch ở vùng đất ven biển miền Trung này.
Hãy cùng Basantourist dạo một vòng xem thử cầu gỗ Ông Cọp Phú Yên có gì đặc biệt mà ai cũng chẳng muốn từ chối ghé thăm khi đến với Xứ Nẫu nhé!

Cầu gỗ Ông Cọp ở đâu?
Cầu gỗ Ông Cọp bắt ngang qua dòng sông Phú Ngân, nối liền các thôn ở phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Cầu có nhiều tên gọi khác như cầu Miếu Ông Cọp, cầu Bình Thạnh, cầu Tuy An.
Mình để Google Map bạn tham khảo để di chuyển hợp lý nhé
Cầu cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km, cách trung tâm thị xã Sông Cầu chừng 28km. Nằm gần các địa điểm du lịch nổi tiếng như Ghềnh Đá Đĩa, hải đăng Gành Đèn, nhà thờ Mằng Lăng, đập Tam Giang… nên rất tiện cho việc tham quan, tiết kiệm nhiều thời gian cho việc di chuyển.

Khám phá tour du lịch trọn gói từ Quy Nhơn với những địa điểm cực đẹp của Phú Yên
- Tour Quy Nhơn Phú Yên 2 ngày 1 đêm
- Tour Quy Nhơn Phú Yên 3 ngày 2 đêm
- Tour Bãi Xếp – Ghềnh Ông
Lịch sử xây dựng cầu gỗ Ông Cọp
Bởi vì địa hình có nhiều đầm, phá xen lẫn với đất liền nên việc di chuyển bằng đường bộ hết sức khó khăn. Vì vậy, người dân ở đây đã góp tiền xây dựng lên cây cầu gỗ để việc di chuyển thuận lợi hơn.
Cầu được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 1998-1999. Các tấm ván dùng làm mặt cầu và trụ cầu được làm từ thân cây phi lao, cây bạch đàn, còn thành cầu được làm từ thân các cây tre già. Bên dưới cây cầu lúc nào cũng có những thân cây phi lao để sẵn, phòng khi hư hại chỗ nào thì được sửa chữa kịp thời.
Cây cầu được xây dựng đơn giản nên chỉ được sử dụng cho người đi bộ, xe đạp và xe máy có tải trọng cho phép. Chiều dài cầu khoảng chừng 800m, chiều ngang khoảng 1.5m – 1.8m.

Ngắm nhìn vẻ đẹp bình dị của cầu gỗ Ông Cọp
Nên đến cầu gỗ Ông Cọp Phú Yên vào thời gian nào?
Đến đây vào lúc thời tiết ít mưa, bầu trời trong xanh, nước sông êm ả là thích hợp nhất. Điều kiện thời tiết đẹp như thế này thường rơi vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm. Đặc biệt, bạn cần hết sức chú ý không đến vào mùa mưa bão, khoảng tháng 10-11. Thời tiết xấu không thích hợp để tham quan lại còn có thể gây nguy hiểm cho bản thân.

Giá vé khi qua cầu gỗ Ông Cọp
Ở bên phía đầu cầu phường Xuân Đài có dựng một cái ngôi nhà gỗ sơ sài để thu phí qua cầu do một hộ gia đình quản lý. Giá vé dao động từ 1000 đến 5000 đồng, tùy theo đối tượng đi bộ, xe đạp hay xe máy, riêng học sinh thì được miễn phí. Việc đi lại được dễ dàng hơn nên người dân đều sẵn lòng trả phí, chỉ sợ một điều khi trời mưa lớn cầu không được sử dụng, lại phải chịu bất tiện khi đi đường vòng.
Mỗi khi có mưa bão, người dân sẽ tháo bớt đi một nhịp cầu để cầu không bị cuốn trôi. Tuy nhiên, có khi lũ quét lớn, cây cầu vẫn bị cuốn trôi ra ngoài biển. Vì vậy, sau khi nước rút, cây cầu lại được đầu tư mới hoàn toàn. Số tiền thu phí sẽ được dùng vào việc sửa chữa cầu, tránh việc đi lại bị tạm dừng.

Thỏa thích sống ảo ở cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam
Chiếc cầu gỗ đơn sơ, mộc mạc như chính con người ở đây, duyên dáng bắt qua làn nước xanh như ngọc. Xa xa là những hàng phi lao xanh rì, bầu trời xanh cao vút. Chỉ là một điều giản dị chốn thôn quê nhưng lại đủ lại xao xuyến những con tim mơ mộng khi được đặt chân đến đây.

Bất kể bạn đứng ở đâu trên cây cầu thì cũng đủ cho ra đời một bức hình đẹp. Phong cảnh đẹp, con người đẹp, điều bạn cần duy nhất là dắt theo một người chụp hình có tâm. Tuy nhiên thời khắc đẹp nhất có lẽ là lúc đón những tia nắng đầu tiên trong ngày và tạm biệt những tia nắng cuối cùng trong ngày. Lúc ánh mặt trời rực rỡ giao thoa với mặt nước óng ánh, càng khiến khung cảnh trở nên ảo diệu hơn, tạo ra một sức hút hấp dẫn đến lạ thường. Thật tuyệt hơn khi bạn có chiếc flycam để ngắm nhìn toàn cảnh nơi đây, góc chụp từ trên cao sẽ thấy được hình ảnh chiếc cầu chạy thẳng tắp nối bờ này với bờ bên kia.
Ngắm nhìn cuộc sống lao động dung dị đời thường
Một nhịp sống đời thường khiến lòng du khách cảm thấy không giống như đi du lịch mà chỉ như đi dạo ra bờ sông sau nhà. Trên cầu là dòng người di chuyển với công việc hàng ngày. Dưới chân cầu là các chị, các cô cào hến, bắt ốc trên sông, thuyền qua lại nhộn nhịp giữa các vun tôm, dân chài giăng lưới bắt cá, trẻ em nô đùa tắm sông, có cả đàn vịt bơi tung tăng ở mép sông.
Ý nghĩa của cầu gỗ Ông Cọp
Tuy cây cầu không hoàn toàn đảm bảo sự an toàn, nhưng có nó lại giúp việc di chuyển của người dân sống ở hai bên dòng sông thuận tiện hơn rất nhiều. Giảm bớt thời gian và chi phí hơn so với đi đường vòng hay đi đò.
Ngoài ra, đối với các du khách đi du lịch thì cây cầu cũng tiết kiệm khoảng cách khi đi đến các địa điểm du lịch nổi tiếng gần đó.
Mang trong mình một vẻ đẹp mộc mạc lại nên thơ nên cây cầu gỗ không chỉ là một cách giúp giao thông thuận lợi hơn mà còn là một địa điểm yêu thích của phượt thủ, du khách hay đơn giản là bạn trẻ thích săn ảnh.

Tại sao lại có cái tên Ông Cọp
Cách cầu gỗ Ông Cọp không xa có một miếu thờ rất linh thiêng, gọi là Miếu Ông Cọp. Nơi đây gắn liền với một câu chuyện cổ ly kỳ và đầy tính nhân văn có từ xa xưa, và cái tên của cây cầu cũng được người dân đặt theo đó.
Những người lớn tuổi trong vùng vẫn hay kể lại, rằng xưa kia con người và một số loài vật có thể nghe và hiểu được tiếng nói của nhau. Thuở đó, ở khu vực núi Mỹ Dự xuất hiện một đàn cọp rất hung dữ, ban đêm thường hay xuống núi để hại người và người ta đồn rằng ông Cọp Bạch trong số đó là hung dữ nhất.
Có lần bà Cọp chuyển dạ nhưng lại bị khó sinh, ông Cọp lo lắng bèn chạy xuống làng, vồ lấy bà mụ đỡ đẻ mát tay trong làng. Nghe thấy tiếng động, người dân trong làng ùa ra thì thấy cảnh tượng này, nhưng không ai dám tiến lên ngăn cản, chỉ biết khẩn cầu cho bà mụ được an toàn.

Tuy rằng hoảng sợ, nhưng đứng trước bà Cọp đang quằn quại trong cơn đau, bà mụ đã tiến đến đỡ đẻ. Không bao lâu sau khi đỡ đẻ thành công, bà mụ được ông Cọp đưa về nhà an toàn.
Ba đêm sau đó, người ta thấy ông Cọp mang theo một con lợn rừng đặt trước nhà bà mụ để tạ ơn. Được một thời gian nữa, bà mụ xuống làng biển Phú Hạnh để lập nghiệp (địa điểm này ngày nay gần Ghềnh Đá Đĩa nổi tiếng thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An). Sau này khi bà mất vì già yếu, người ta vẫn thấy dấu chân của ông Cọp kéo dài từ núi Mỹ Dự đến mộ bà vào những ngày cuối tháng chạp hằng năm. Vào ngày tảo mộ còn có dấu vết cào cỏ để lại, dân làng tin chắc đây là ông Cọp nhớ ơn xưa nên đã đến viếng mộ.

Sau này, ông Cọp xuất hiện dưới chân núi Mỹ Dự với dáng vẻ buồn bã, được một thời gian ngắn nữa thì chết. Vì nhớ đến tính tình hiền lành, sống có tình có nghĩa của ông Cọp nên người dân rủ nhau đi đào đá, lập nên miếu Ông Cọp để tôn thờ những người sống biết ơn, quý trọng tình nghĩa.
Ngôi miếu đã tồn tại mấy trăm năm và luôn được nhiều thế hệ thay phiên nhau trông coi, thờ cúng. Có hai lễ lớn vào tiết thanh minh và tiết lập thu, ngoài ra mùng một và ngày rằm hàng tháng vẫn làm mâm cúng nhỏ.
Lưu ý khi di chuyển trên cầu gỗ Ông Cọp
Cây cầu được làm chủ yếu từ gỗ và tre nên không được chắc chắn, sẽ có tình trạng rung lắc, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp các khoảng bị hụt nên nếu bạn là một tay lái yếu hay không tự tin vào kỹ năng lái xe của mình thì không nên tự chạy xe máy qua. Việc này có thể gây nguy hiểm cho bản thân cũng như những người đi lại trên cầu khác.
Bởi vì cầu chỉ cho phép phương tiện lưu thông là xe đạp và xe máy, nên nếu bạn đang di chuyển trên ô tô, hãy tìm một tuyến đường khác để lưu thông.
Trong muôn vàn cảnh đẹp nổi tiếng của Phú Yên, cầu gỗ Ông Cọp mang theo một nét dân dã vẫn chiếm được một dòng trong danh sách du hí của du khách. Chính nhờ sự độc đáo trong cách xây dựng mà rất nhiều người đã muốn đến đây để chứng kiến tận mắt cũng như lưu lại những kỷ niệm đẹp. Hãy lên kế hoạch ghé thăm cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam khi bạn đến xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh nhé!
Review Cầu Gỗ Ông Cọp
- Đây là cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam
- Tất cả các thành phần cấu tạo đều làm từ gỗ.
- Ngoài là cây cầu dân sinh giúp người dân thuận tiện di chuyển, đây còn là địa điểm check in cực chất
Cầu gỗ Ông Cọp bắt ngang qua dòng sông Phú Ngân, nối liền các thôn ở phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên
Cầu có nhiều tên gọi khác như cầu Miếu Ông Cọp, cầu Bình Thạnh, cầu Tuy An
Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km, cách trung tâm thị xã Sông Cầu chừng 28km